Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Bầu Đức: ‘VPF sẽ tạo bước ngoặt về quản lý bóng đá’

Bầu Đức: ‘VPF sẽ tạo bước ngoặt về quản lý bóng đá’

Từ Gia Lai, trong cuộc trao đổi chiều nay với VnExpress.net, bầu Đức khẳng định VPF ra đời sẽ thay đổi hoàn toàn cơ chế quản lý trước đây với mục tiêu hướng tới bóng đá sạch và một sân chơi sòng phẳng.

Bầu Đức (thứ hai bên phải). Ảnh: An Nhơn.
Bầu Đức (thứ hai bên phải). Ảnh: An Nhơn.
Từng tuyên bố sẽ rời V-League nếu không có sự thay đổi và phản đối việc VPF thuộc Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), bầu Đức đã chia sẻ suy nghĩ ban đầu về mô hình công ty cổ phần tổ chức bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vừa được thông qua tại Đại hội thường niên VFF diễn ra cách đây hai ngày.
Ông đánh giá như thế nào về việc VPF chịu sự quản lý của VFF?
VFF sở hữu cổ phần của VPF và đương nhiên VPF là một bộ phận của VFF. Tuy nhiên, theo tỷ lệ sở hữu cổ phần, VFF và các ông bầu sẽ bình đẳng hơn, không thể đơn phương ép buộc nhau. Bởi chỉ khi có sự chấp thuận của các cổ đông chiếm 65% cổ phần thì vấn đề mới được thông qua.
Bầu Kiên đã phát biểu trong Đại hội thường niên VFF rằng các ông bầu có thể hỗ trợ VFF phát triển bóng đá trẻ và hệ thống các đội tuyển. Vậy ông sẽ đóng góp cho VPF và bóng đá Việt Nam nói chung thời gian tới?
Trước mắt, tôi sẽ chỉ đóng góp với số cổ phần của mình ở công ty. Ngoài ra, từ trước tới nay tôi cũng ủng hộ các đội tuyển quốc gia, đội U tới tập huấn ở trung tâm Hàm Rồng. Tôi chưa hề thu một đồng nào tiền phí cho những hoạt động này. Sau này cũng vậy, Hoàng Anh Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ các đội tuyển trẻ quốc gia cần cơ sở vật chất để tập luyện theo cách này.
Việc thành lập VPF sẽ tác động thế nào đến “những hòn đá tảng” đang cản trở sự phát triển của bóng đá Việt Nam như thị trường chuyển nhượng, chuyên môn và đạo đức cầu thủ?
Nói tới sự đóng góp của VPF vào sự phát triển của bóng đá CLB và bóng đá Việt Nam còn quá sớm. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định, VPF ra đời là một bước ngoặt về cách thức quản lý bóng đá, thay đổi hoàn toàn cơ chế quản lý trước đây.
Ông có thể nói rõ hơn?
VPF là một công ty cổ phần, hoạt động như một doanh nghiệp lấy doanh thu lợi nhuận làm mục tiêu tôn chỉ. Tôi có thể khẳng định VPF sẽ tạo ra cuộc chơi rất sòng phẳng. Trong đó, VFF, các CLB tham gia cuộc chơi sẽ là những người cùng quyết định.
Để có được doanh thu tốt, VPF phải làm cho bóng đá sạch. Bóng đá sạch là trọng tài sạch, trận đấu sạch với chất lượng chuyên môn tốt. Khi đó, khán giả mới tới sân, tiền quảng cáo mới đổ về. Tôi không quan tâm tới Chủ tịch hội đồng quản trị hay Giám đốc điều hành là ai. Bởi VPF có quy chế hoạt động riêng của nó.
Trong VPF, hiệu quả làm việc của Chủ tịch hội đồng quản trị và Giám đốc điều hành được thể hiện trên những con số, về doanh thu lợi nhuận. Khi đó, họ có thể tồn tại mãi mãi, thậm chí nhận lương rất cao. Đây cũng là động lực để họ làm việc hết mình, phục vụ 100% sức mình cho công việc và không có chuyện phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác.
Tuy vậy, khác với trước đây Giám đốc điều hành phải là người hội tụ hai yếu tố: am hiểu bóng đá và có tư duy quản trị. Trước đây, yêu cầu thứ hai không được coi trọng hoặc cơ chế chưa phù hợp để tố chất đó được phát huy đúng mức.
Từng bức xức về vấn đề trọng tài, vậy ông bình luận vì về việc ông Dương Vũ Lâm làm trưởng ban trọng tài?
Tôi đánh giá anh Dương Vũ Lâm đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ này và sẽ làm rất tốt. Trước đây, anh Nguyễn Văn Mùi chuyên môn cũng rất tốt nhưng cũng tại cơ chế nên khả năng của anh chưa được phát huy hết.
Vào thời điểm này, điểm nóng của bóng đá Việt nam đang là SEA Games 26. Ông có theo dõi trận đấu của U23 Việt Nam và cảm xúc của ông thế nào với tư cách người hâm mộ?
Các em đang thi đấu nên tôi không muốn bình luận nhiều. Chỉ có thể nói là tôi chưa thấy vui lắm vì kết quả của đội. Trước Myanmar, chúng ta hoàn toàn làm chủ, các cầu thủ cũng rất cố gắng nhưng tỷ số vẫn không được như mong muốn. Tất nhiên, Việt Nam sẽ vào bán kết nhưng đá thế này thì chưa sướng và chưa "đã".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét